Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, một trong những yếu tố quyết định đến lợi nhuận của doanh nghiệp là việc tính toán chính xác mức thuế phải nộp cho từng lô hàng. Tuy nhiên, việc dành ra hàng giờ để tìm kiếm thông tin về thuế suất có thật sự là một cách tiếp cận tối ưu cho quy trình này? Hay là sau đó doanh nghiệp lại tiếp tục cảm thấy bối rối và không chắc chắn về mức thuế được áp dụng, tiếp tục suy nghĩ liệu rằng sẽ có những khoản chi phí bất ngờ nào ập đến từ việc xác định sai mức thuế phải đóng hay không? Vậy, đâu mới thực sự là chiếc chìa khóa để xác định chính xác mức thuế phải nộp?
Câu trả lời nằm ở mã HS hàng hóa – “chứng minh thư” của sản phẩm, thứ giúp cơ quan hải quan cũng như các bên liên quan trong quy trình xuất nhập khẩu có thể xác định loại hàng hóa một cách chính xác, từ đó áp dụng mức thuế phù hợp. Mặc dù, đây chỉ là một yếu tố cơ bản, nhưng đồng thời cũng là một yếu tố tiên quyết giúp cho doanh nghiệp không phải đối mặt với các nguy cơ bị phạt hành chính hay những chi phí rủi ro không cần thiết gây tổn thất tài chính.
Trong chuỗi series về “Hiểu về HS Code”, THT Cargo Logistics sẽ cùng bạn khám phá về thế giới của mã HS hàng hóa, lý giải tại sao nó lại quan trọng đến vậy và hướng dẫn từng bước để nắm vững cách sử dụng mã HS một cách chính xác. Từ việc hiểu rõ cấu trúc mã HS, áp dụng các quy tắc phân loại hay thậm chí là việc xác định đúng mã HS cho các mặt hàng đặc thù như máy móc, hóa chất, chúng ta sẽ có thể tối ưu hóa chi phí và quy trình, cũng như đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong các hoạt động về xuất nhập khẩu.
1. Mã HS hàng hóa là gì?
HS (Harmonized System) là hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa được tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên gọi và mã số, được sử dụng cho việc phân loại hàng hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu.
Hệ thống này được xây dựng và duy trì bởi Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), là một tổ chức quốc tế độc lập với 179 thành viên, trong đó Việt Nam gia nhập vào năm 1993. Đồng thời, hệ thống này được đảm bảo pháp quy gồm 97 chương, 1241 nhóm hàng và được xếp thành 5113 phân nhóm hàng ở cấp độ 6 chữ số.
97 CHƯƠNG
1241 NHÓM HÀNG
5113 PHÂN NHÓM HÀNG
Trên thực tế, theo giải thích từ WCO thì Chương 77 không chứa đựng bất kỳ một mã HS nào, mà dành để “chứa đựng các sản phẩm được tạo ra trong tương lai”. Do vậy, danh mục HS hiện tại chỉ bao gồm 96 chương. Ngoài ra, một số nước thành viên còn sử dụng thêm chương 98, 99 để phân loại một số hàng hóa cụ thể theo quy định đặc thù riêng của từng quốc gia.
Và mặc dù danh mục HS quốc tế chỉ đưa ra phân loại hàng hóa ở cấp độ 6 chữ số, nhưng các thành viên thuộc WCO vẫn được phép sử dụng thêm chữ số để thuận tiện cho việc phân loại hàng hóa cụ thể hơn, cũng như đưa ra mức thuế suất cho mỗi loại hàng hóa ở cấp độ 8 và 10 số.
2. Vai trò của mã HS hàng hóa
Nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý hàng hóa trong thương mại quốc tế, mã HS đã phải trải qua một quá trình phát triển dài, từ giữa thế kỷ 19 đến tận năm 1988 thì văn bản về Công ước mới chính thức bắt đầu có hiệu lực. Vậy nên, hệ thống này không chỉ đơn thuần là một dãy số, mà còn là một công cụ hữu hiệu giúp phân loại, quản lý và thống kê hàng hóa một cách chính xác, hiệu quả.
Thống nhất ngôn ngữ phân loại hàng hóa trong ngoại thương
Một trong những ưu điểm lớn nhất của mã HS là khả năng thống nhất phân loại hàng hóa và ngôn ngữ Hải quan trên toàn cầu. Việc sử dụng cùng một hệ thống điều hòa đã giúp các quốc gia có thể hiểu và áp dụng một cách chính xác những quy định liên quan đến hàng hóa, thuế suất xuất nhập khẩu. Khi các nước đã áp dụng một hệ thống phân loại để mô tả hàng hóa, đây đồng thời là cơ sở cho việc quản lý, đàm phán và thực hiện các Hiệp ước, Hiệp định thương mại và Hải quan giữa các quốc gia, thúc đẩy thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế.
Kiểm soát hạn ngạch và thuế quan
Hệ thống điều hòa là nền tảng trong việc thiết lập biểu thuế xuất nhập khẩu, phục vụ trực tiếp cho khâu giám sát, quản lý hàng hóa; chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần vào việc quản lý hiệu quả và minh bạch thương mại quốc tế. Cấu trúc của biểu thuế cũng giống như cấu trúc của bảng danh mục nhưng có thêm cột % thuế và cột xuất xứ hàng hóa.
Thống kê và kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu
Mã HS còn là công cụ hữu hiệu trong việc thống kê và kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. Cơ quan chức năng ở các nước dựa vào danh mục này để theo dõi và thống nhất số liệu thương mại quốc tế. Việc sử dụng chung một danh mục phân loại hàng hóa sẽ giúp cho công tác tập hợp các số liệu thống kê chính xác, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định và chính sách của từng quốc gia, dễ dàng trong giám sát những mặt hàng như hóa chất, tiền chất ma túy,…
Bên cạnh đó, hệ thống này cũng được thay đổi theo thời gian, thường là từ 5 đến 7 năm một lần, dựa trên sự biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu. Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo mã HS luôn phản ánh đúng thực trạng thương mại quốc tế, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của thị trường. Các quốc gia đồng thời lấy việc cập nhật này làm cơ sở để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện biểu thuế xuất nhập khẩu và các chính sách thương mại một cách hợp lý nhất.
Visits: 6