Việt Nam – Điểm nóng FDI

Đến cuối tháng 9, Việt Nam đã thu hút gần 25 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là con số ấn tượng, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Nhiều dự án lớn được khánh thành

Cuối tháng 9, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) của Tập đoàn SCG, Thái Lan chính thức vận hành thương mại. Với tổng vốn đầu tư trên 5 tỉ USD, tổ hợp này không chỉ tạo ra gần 1.000 việc làm mà còn hứa hẹn doanh thu 1,5 tỉ USD mỗi năm và đóng góp khoảng 150 triệu USD thuế vào ngân sách.

Một số dự án nổi bật khác trong năm nay bao gồm nhà máy thức ăn chăn nuôi của Aboitiz Foods (Philippines) tại Long An với vốn đầu tư 45 triệu USD và dự án sản xuất thiết bị điện gió của CS Wind (Hàn Quốc) trị giá 200 triệu USD tại Long An. Cả hai đều áp dụng công nghệ hiện đại và sử dụng năng lượng tái tạo, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI tiếp tục tập trung vào các tỉnh thành có cơ sở hạ tầng phát triển và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính như Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, và Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong 9 tháng qua, 10 tỉnh này đã chiếm hơn 80% số dự án FDI mới và gần 73% tổng vốn đầu tư cả nước. Đáng chú ý, các dự án lớn thuộc lĩnh vực sản xuất pin, thiết bị điện tử, và năng lượng tái tạo được đầu tư mới và mở rộng.

Cơ hội lớn trong lĩnh vực Công nghệ cao

Ông Nick Clegg, Chủ tịch đối ngoại toàn cầu của Tập đoàn Meta, cam kết phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và xây dựng các khóa học AI từ tháng 1/2025. Đại diện của SpaceX cũng cho biết sẽ đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam trong tương lai gần, cho thấy Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các “ông lớn” công nghệ.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng nguồn tài nguyên quý như đất hiếm và vonfram là lợi thế lớn, đặc biệt khi Việt Nam sở hữu 22 triệu tấn đất hiếm. Đây là nguồn nguyên liệu thiết yếu cho ngành công nghệ cao, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất chip và bán dẫn.

Tiềm năng kinh tế của Việt Nam

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận xét rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của FDI phản ánh sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam với hơn 17 tỉ USD giải ngân, mức cao nhất trong 5 năm qua. Việt Nam hiện có nền chính trị ổn định và là một trong những quốc gia hội nhập nhanh nhất khu vực, với 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.

Việc duy trì tăng trưởng FDI đều đặn trong bối cảnh khó khăn toàn cầu khẳng định sức hút của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tận dụng nguồn lực công nghệ từ FDI để thúc đẩy sự phát triển bền vững và tự chủ trong tương lai.

Nguồn: Báo điện tử Thanh niên

Visits: 2

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *