Ngành vận tải hàng không được dự đoán sẽ trải qua “mùa cao điểm” vào cuối năm, khi nhu cầu vận chuyển quốc tế tăng mạnh để đáp ứng mùa mua sắm dịp lễ. Điều này gây áp lực lớn lên năng lực vận chuyển và dẫn đến việc giá cước có thể tăng cao hơn.
Theo công ty phân tích Xeneta, nhu cầu vận tải hàng không đã tăng 13% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ thương mại điện tử liên tục từ Trung Quốc và sự thay thế cho vận tải đường biển. Khối lượng đã tăng hai con số trong tám tháng liên tiếp, nhưng nguồn cung không gian hàng hóa chỉ tăng 2%, gây căng thẳng trên một số tuyến thương mại.
Dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy lưu lượng vận chuyển hàng không trong tháng 6 tăng 14% so với năm 2023. Nhu cầu trong nửa đầu năm cũng tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, gần tương đương với mức vận chuyển trong giai đoạn đỉnh cao của đại dịch năm 2021.
Một số hãng hàng không, như Air France-KLM, đã chuyển hướng các máy bay chở hàng đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do biên lợi nhuận tại đây cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Đồng thời, giá cước tại khu vực này tiếp tục tăng mạnh, với giá vận chuyển từ Thượng Hải đến Bắc Mỹ tăng hơn 25% và đến châu Âu tăng 44%.
Dù một số doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu đã đặt hàng sớm để tránh các gián đoạn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến khu vực Biển Đỏ, nhưng nhu cầu vận chuyển vẫn được dự đoán là sẽ tăng. Ngoài ra, các dấu hiệu kinh tế vĩ mô không đồng nhất khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về sự bền vững của chi tiêu tiêu dùng.
Phụ phí mùa cao điểm của FedEx và UPS, hiện tại cũng đang cao hơn so với những năm trước, là tín hiệu cho thấy các nhà vận chuyển dự báo khối lượng hàng hóa nội địa và quốc tế sẽ tăng mạnh trong mùa nghỉ lễ. Đại diện UPS cho biết, họ dự kiến khối lượng bưu kiện sẽ đạt mức kỷ lục vào tháng 12 năm nay.
CEO Michael Steen của Atlas Air cho biết: “Khối lượng hàng hóa sẽ tiếp tục tăng, trong khi năng lực chuyên chở bị hạn chế, điều này sẽ tác động đến giá cước.” Ông cũng dự đoán tình hình này sẽ kéo dài đến năm 2025 hoặc lâu hơn.
Hệ số tải đã tăng liên tục hơn ba năm, chủ yếu nhờ vào các hãng hàng không chở khách bổ sung chuyến bay vận tải. Tuy nhiên, sự gia tăng cao trong nhu cầu về thương mại điện tử đã làm tình trạng thiếu hụt các máy bay chuyên chở hàng hóa thân rộng trở nên thường xuyên hơn, khiến các hãng hàng không phải điều chỉnh thỏa thuận với nhà giao nhận. Giá cước giao ngay trung bình toàn cầu hiện đạt 2,64 USD mỗi kilogram, mặc dù đã giảm nhẹ, nhưng vẫn cao hơn 11% so với năm trước và cao hơn đáng kể so với mức trước đại dịch.
Nguồn: Tạp chí Vietnam Logistics ReviewVisits: 3