Tổng quan thị trường Logistics Việt Nam và các vấn đề nổi bật trong tháng 12/2022

1. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022

Bức tranh kinh tế quý IV và năm 2022 ghi nhận những mảng sáng, tối đan xen. GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, trong đó ngành vận tải kho bãi tăng 11,93 điểm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có xu hướng giảm trong quý IV do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, trong đó tháng 12/2022 ước giảm 1% so với tháng trước, tính chung quý IV/2022 tăng 3%.

Trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp vận tải kho bãi thành lập mới là 7.081, tăng 8,4% so với năm trước, có 697 doanh nghiệp giải thể, giảm 1,3% so với năm trước. Nhìn chung, ngành logistics các doanh nghiệp trong ngành đã có một năm kinh doanh trong môi trường vĩ mô ổn định và tăng trưởng cao, qua đó đạt được những thành tích, mức tăng trưởng nhất định. Về triển vọng năm 2023, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó.

2. Tình hình vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không năm 2022

Trong tháng qua, Cục Hàng không công bố các con số quan trọng về tình hình vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không năm 2022. Cụ thể, ước đạt vận chuyển 1,25 triệu tấn hàng hóa (bằng 95% so năm 2021 và tương đương năm 2019), trong đó vận chuyển nội địa đạt 152 nghìn tấn (tương đương năm 2021), riêng vận chuyển quốc tế ước đạt 1,1 triệu tấn hàng hóa (xấp xỉ năm 2021 và tăng 10% so năm 2019). Cuối tháng 12, ACV cũng tổ chức họp và triển khai triển khai nhiệm vụ năm 2023, trong đó các điểm đáng chú ý gồm có tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm: Long Thành Giai đoạn 1; Nhà ga T3, Tân Sơn Nhất; Xây dựng Cảng hàng không Điện Biên; Mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài; Nhà ga T2 Cát Bi và tăng tổng sản lượng phục vụ hàng hóa lên 1.634 nghìn tấn vào năm 2023 tức tăng 18% so với 2022. Đối với thị trường vận tải hàng hóa hàng không thế giới, gần đây người đứng đầu bộ phận phân tích chính sách của IATA dự báo khối lượng hàng hóa sẽ giảm 4,3% so với cùng kỳ xuống còn 57,7 triệu tấn, sau khi giảm 8,1% trong năm nay xuống còn 60,3 triệu tấn.

3. Vốn FDI ước đạt gần 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm

Tính đến 20/12, ước tính các dự án FDI đã giải ngân gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2021, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi vốn giải ngân tăng trưởng tích cực, thì vốn đăng ký lại chưa có nhiều cải thiện, đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng loạt dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài khác, như Samsung, Goertek, Foxconn, LEGO… cũng đang được đẩy nhanh quá trình thực hiện, khi các dự án được khởi công và đi vào hoạt động, số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng tốc đáng kể. Đồng thời, 28/12/2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chíp, trình Chính phủ trong quý I năm 2023. Chính sách này rất cần thiết cho Việt Nam trên đường thành cứ điểm sản xuất công nghệ, khi mà các công ty lớn về cả phần cứng lẫn phần mềm đều tăng tốc tại Việt Nam, đơn cử như Samsung vừa đưa vào hoạt động Trung tâm R&D tại Hà Nội, Synopsys đều đã có kế hoạch đào tạo nhân sự hay Amkor Technology ký kết các thỏa thuận phát triển tại KCN Yên Phong 2C thuộc Bắc Ninh.

4. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2022

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2022 ước đạt 732 tỉ USD, duy trì xuất siêu gần 11 tỉ USD. Việt Nam còn xuất sắc trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và thay thế Anh trở thành 7 đối tác thương mại logistics lớn nhất của Mỹ, Việt Nam còn là đại diện Đông Nam Á đầu tiên đạt vị trí này. Bên cạnh những điểm tích cực, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang đối diện với ngày càng nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Ngoài ra, tuy đạt những con số ấn tượng, nhưng xét sâu vào từng mặt hàng xuất khẩu đã chứng kiến sự sụt giảm. Tính đến hết kỳ 1 tháng 12/2022 điện thoại các loại và linh kiện giảm 378 triệu USD, tương ứng giảm 17,6% hàng dệt may giảm 115 triệu USD, tương ứng giảm 7,8% so với kỳ 2 tháng 11/2022. Thực tế, sự sụt giảm này đã diễn ra từ tháng 11. Có thể thấy sự sụt giảm này không phải là nhất thời mà vẫn sẽ còn tiếp tục trong tương lai, khi Counterpoint Research vừa công bố hạ mức tăng trưởng của thị trường smartphone toàn cầu từ 6% xuống còn 2% vào năm 2023.

5. Tình hình logistics tại Việt Nam

Thương mại điện tử bùng nổ chính là động lực cho mảng nhà kho và nhà xưởng xây sẵn tăng mạnh, khi các loại hình này ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 95%. Tình trạng khan hiếm nguồn cung BĐS KCN tiếp tục đẩy giá thuê tăng cao, gần đây VSIP đang nghiên cứu đầu tư KCN hơn 600 ha ở Hà Tĩnh, khi dự án này đi vào hoạt động hy vọng phần nào sẽ làm giảm áp lực từ thị trường. Trong tháng 12, Hà Nội ban hành Kế hoạch về việc phát triển logistics tại địa bàn năm 2023, gồm có khởi công xây dựng 2 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức); xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể 2 trung tâm logistics (tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn); chấp thuận chủ trương đầu tư 1 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm). Đây đều là những dự án lớn nằm ở những vị trí chiến lược của thành phố, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái hạ tầng logistics của Hà Nội.

6. Đầu tư mới

Tháng 12, ghi nhận nhiều thông tin đầu tư mới, mở ra cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics. Quanta Computer, công ty gia công lắp ráp lớn thứ ba thế giới, được cho là đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy ở miền bắc Việt Nam, nơi sẽ chủ yếu thực hiện các đơn đặt hàng cho Apple MacBook. Cùng thời điểm, Tổng Giám đốc KBC cũng chia sẻ rằng có tập đoàn điện tử đang đàm phán với công ty để xây dựng dự án 5 tỷ USD tại Bắc Ninh. Dù không tiết lộ chính xác tên công ty, nhưng đây cũng là thông tin rất đang lưu ý đối với các doanh nghiệp muốn đón đầu cơ hợi mới. Đáng chú ý khác là tập đoàn CMA-CGM cho biết đang đề nghị cấp giấy phép bay cho Công ty vận tải hàng không CMA-CGM (CC Air Cargo) hay công ty TNHH Compal Electronics (Việt Nam) sẽ khởi công xây dựng nhà xưởng quý I/2023 tại KCN Liên Hà Thái sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử.

7. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

Trong tháng 12, đáng chú ý là Thông tư 72/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc ngưng hiệu lực của Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Đặt ra yêu cầu Bộ phận khai thác của toàn bộ các Công ty, đơn vị kinh doanh trong hệ thống ALS cần cập nhật thời gian ngưng hiệu lực Thông tư 31/2022/TTBTC và tiếp tục áp dụng các Thông tư 65/2017/TT-BTC và Thông tư số 09/2019/TT-BTC. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Với sự ra đời của nghị quyết trên sẽ ngày càng phát triển dịch vụ logistics thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, hướng tới phát triển logistics xanh, quan trọng nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics với sự hỗ trợ từ các ban, ngành liên quan.

8. Ngành sản xuất sẽ có các dấu hiệu tích cực khi kinh tế Trung Quốc mở cửa hoàn toàn

Mặc dù những tháng cuối năm, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tình hình sản xuất kinh doanh, thiếu hụt đơn hàng nhưng tổng kết lương bình quân của người lao động năm 2022 là 8,25 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2021, theo báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Gần đây mức lương bình quân tháng của lao động từ không có kỹ năng, sơ cấp, cho đến trung cấp, cao đẳng tăng 6-8% mỗi năm. Về nhu cầu lao động, ngành sản xuất, nhất là da giày, dệt may, chế biến gỗ tiếp tục giảm ở quý I, nếu có một kịch bản tích cực, phải chờ đến quý 2, thậm chí quý 3 mới khởi sắc và sôi động trở lại. Ngành sản xuất sẽ có các dấu hiệu tích cực khi kinh tế Trung Quốc mở cửa hoàn toàn. Ngành thương mại điện tử cũng sẽ tiếp tục chịu sức ép về chi phí khi nhu cầu mua hàng trực tuyến giảm mạnh.

9. Xu hướng xanh ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong mọi lĩnh vực

Xu hướng xanh ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong mọi lĩnh vực. Tại Việt Nam, hàng loạt “ông lớn” FDI tuyên bố xanh, mở ra những thách thức chưa từng có cho ngành, rộng hơn là cả nền kinh tế. Đối với các nhà đâu tư logistic, nhà kho trước đây chỉ để chứa hàng và không có lý do gì để làm xanh, nay sẽ bắt buộc thay đổi để tăng sức cạnh tranh. Đối với thế giới, EU đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu hay ra luật mới yêu cầu các hãng hàng không trả phí ‘ô nhiễm’, đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp sản xuất phải có phương án thay đổi với thích nghi.

Nguồn tham khảo:

  • https://baochinhphu.vn/gdp-nam-2022-uoc-tang-802-lap-ky-luc-trong-hon-10-nam-qua-102221229093749292.htm
  • https://doanhnghiephoinhap.vn/san-luong-hang-hoa-van-chuyen-qua-duong-hang-khong-nam-2022-uoc-dat-1-25-trieu-tan.html
  • https://baotintuc.vn/kinh-te/von-fdi-uoc-dat-gan-224-ty-usd-cao-nhat-trong-5-nam-20221229160725175.htm
  • https://vnexpress.net/xuat-nhap-khau-viet-nam-nam-2022-vuot-730-ty-usd-4552764.html
  • ….

Bộ phận quản lý thông tin thị trường MkIS (ALS)

Visits: 4

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *