Các công ty thép lớn và liên đoàn lao động tại Mỹ đã yêu cầu điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ 10 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Ngày 5/9/2024, nhiều công ty như Steel Dynamics, Inc, Nucor Corporation, United States Steel Corporation và Wheeling-Nippon Steel, cùng với một số liên đoàn lao động, đã nộp đơn yêu cầu điều tra. Theo họ, sản phẩm thép CORE từ Việt Nam và các nước khác đang gây thiệt hại lớn cho ngành thép Mỹ do cạnh tranh không lành mạnh.
Các sản phẩm bị điều tra là thép cán phẳng được phủ kim loại chống ăn mòn như kẽm, nhôm, niken, bất kể có sơn, phủ nhựa hay không. Thép có chiều rộng từ 12,7 mm trở lên và độ dày dưới 4,75 mm đều nằm trong diện bị điều tra.
Đặc biệt, các sản phẩm gia công thêm ở nước thứ ba, như cắt, sơn, đánh bóng, cũng không thoát khỏi phạm vi điều tra nếu ban đầu sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia bị yêu cầu áp thuế.
Cuộc điều tra sẽ diễn ra qua hai giai đoạn: sơ bộ và cuối cùng, do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) thực hiện. DOC sẽ xem xét liệu hàng nhập khẩu có bị bán phá giá và trợ cấp không, từ đó xác định mức thuế áp dụng.
Từ năm 2021 đến 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn thép CORE vào Mỹ. Riêng trong nửa đầu năm 2024, lượng xuất khẩu đã đạt 468.167 tấn. Tuy nhiên ở hiện tại, biên độ phá giá trong đơn yêu cầu lên tới 158,83%. Ngoại trừ các công ty chứng minh được sự độc lập với chính phủ sẽ được hưởng mức thuế riêng, còn lại những doanh nghiệp khác vẫn sẽ chịu mức thuế toàn Việt Nam.
Quyết định khởi xướng điều tra dự kiến được DOC đưa ra vào ngày 25/9/2024. Nếu tiến hành, DOC sẽ chọn một hoặc nhiều nhà sản xuất lớn nhất để điều tra chi tiết và tính biên độ phá giá. Kết quả sơ bộ của cuộc điều tra chống trợ cấp sẽ có vào cuối tháng 11/2024.
Nguồn: VnEconomyVisits: 3