Tại sao đồng Yên vẫn là tài sản an toàn dù suy yếu?

Mặc dù đồng Yên Nhật Bản liên tục suy yếu trong năm nay, nhưng nó vẫn được coi là tài sản an toàn. Đầu tháng 7, Yên chạm mức thấp nhất trong 38 năm, khiến giới chức phải can thiệp bằng hàng chục tỷ USD. Dù vậy, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất, đồng Yên tăng trở lại và đạt mức 142 JPY/USD vào tháng 8.

Đồng Yên từ lâu đã được biết đến là tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế – chính trị. Các chuyên gia trên CNBC nhận định vị thế này vẫn không thay đổi, chủ yếu vì các biến động gần đây đều có thể dự đoán. Nhật Bản hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất thế giới, có thặng dư tài khoản vãng lai và lạm phát ổn định, giúp duy trì sự ổn định của đồng Yên.

Mặc dù Yên yếu khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, như trong năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, nhưng trong những giai đoạn khủng hoảng như 2008 hay 2020, Yên lại mạnh lên. Sự biến động gần đây của đồng Yên chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ (5,25-5,5%) và Nhật Bản (0,25%).

Diễn biến tỷ giá USD/JPY một năm qua – Đồ thị: Reuters

Hoạt động “carry trade(*)” cũng làm yếu Yên khi nhà đầu tư vay tiền Yên với lãi suất thấp để mua các tài sản có lợi suất cao hơn. Tuy nhiên, sau khi BOJ tăng lãi suất, nhà đầu tư phải đóng “carry trade,” khiến Yên tăng giá trở lại.

Mặc dù các chuyên gia dự đoán Yên có thể giao dịch quanh mức 145 JPY/USD trong năm nay, diễn biến sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của FED và tăng trưởng kinh tế Mỹ. Dù BOJ không có kế hoạch tăng lãi suất đột ngột, biến động của Yên có thể đã đạt đỉnh trong năm nay.

(*) Carry trade là một chiến lược đầu tư ngoại hối khá phổ biến, hoạt động dựa trên nguyên tắc tận dụng chênh lệch lãi suất giữa các loại tiền tệ khác nhau. Nhà đầu tư sẽ vay một lượng tiền lớn ở quốc gia có lãi suất thấp, sau đó đổi sang một loại tiền tệ khác có lãi suất cao hơn để gửi tiết kiệm hoặc đầu tư.

Nguồn: VnExpress

Visits: 4

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *