Nhiều cảng biển báo lãi trong báo cáo tài chính quý 4/2023

Sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm 2023 đã góp phần mang lại kết quả tích cực về lợi nhuận cho nhiều DN trong ngành cảng biển.

Nhộn nhịp báo lãi

Báo cáo tài chính quý 4/2023 của Công ty CP cảng Đồng Nai ghi nhận doanh thu gần 335 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022. Lý giải về sự tăng trưởng này, cảng Đồng Nai cho biết, việc Cục Quản lý đường bộ chấp thuận cho xe ô tô hướng từ TPHCM sau khi qua cầu Đồng Nai được phép rẽ phải vào cảng Đồng Nai đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khu vực Bình Dương và TPHCM đi vào cảng. Ngoài ra, cảng Đồng Nai đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng làm hàng container kịp thời, giảm tình trạng tắc nghẽn hàng hóa để có thể đáp ứng nhu cầu sản lượng tăng cao của khách hàng.

Đặc biệt, theo ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP cảng Đồng Nai, việc thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đồng Nai đã tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng xuất khẩu hàng sắt, thép vận chuyển đi Campuchia. Bên cạnh đó, tại khu vực cảng Long Bình Tân đưa vào khai thác thêm 98m chiều dài cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5 ngàn DWT, góp phần giảm áp lực cầu cảng và làm sản lượng ngành hàng container tăng 56% so với cùng kỳ.

Theo đó, sản lượng hàng container tăng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến doanh thu bán hàng tăng 28% trong quý 4/2023. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt trên 80 tỷ đồng, tăng trưởng tới 95%. Lũy kế cả năm, cảng Đồng Nai đạt doanh thu 1.167 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 295 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 9,3% và 26% so với năm 2022. Kết quả này đã giúp cảng Đồng Nai hoàn thành vượt 20% tổng doanh thu và 36% lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch năm.

Không riêng cảng Đồng Nai, nhiều DN cảng khác cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong quý 4 và cả năm 2023. Trong đó, Công ty CP cảng Quy Nhơn đạt trên 23 tỷ đồng lãi ròng trong qúy 4/2023, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 31 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lãi ròng đạt trên 112 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kết quả năm 2022. Tương tự, Công ty CP cảng Đình Vũ cũng ghi nhận tăng trưởng 16% trong năm 2023 với mức lãi ròng đạt gần 329 tỷ đồng; Công ty CP cảng Đà Nẵng đạt 275 tỷ đồng lãi ròng, tăng trưởng 1%; Công ty CP cảng Nghệ Tĩnh lãi ròng 22 tỷ đồng, tăng 31%…

Triển vọng tích cực

Một trong những yếu tố góp phần mang lại kết quả tích cực cho các DN cảng biển trong quý 4 cũng như cả năm 2023 là sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm, giúp cải thiện đáng kể khối lượng hàng hóa thông qua cảng so với giai đoạn đầu năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý 4/2023 ghi nhận mức tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 3,2% so với quý 3/2023, đạt khoảng 96,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cũng có mức tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,3% so với quý 3/2023, đạt 90,2 tỷ USD. Sự tích cực này đã giúp thu hẹp đáng kể mức sụt giảm của hoạt động xuất nhập khẩu so với các tháng đầu năm. Cụ thể, tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 327,5 tỷ USD, lần lượt giảm 4,4% và giảm 8,9% so với năm 2022.

Trong báo cáo phân tích về ngành cảng biển mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đặt nhiều kỳ vọng vào quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đối với ngành cảng biển trong năm 2024. Nhờ mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và logistics. Ngoài ra, hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, các chính sách kinh tế và thương mại hỗ trợ cũng như các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu này. Các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường đã được giải quyết thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư. Theo đó, các chuyên gia của Mirae Asset tin rằng ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt – Mỹ, khi Mỹ hiện đang là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Công ty CP Chứng khoán Asean cũng cho rằng, ngành cảng biển của Việt Nam hiện đang tăng trưởng chậm lại, song so với thế giới vẫn ghi nhận dấu hiệu tích cực và có nhiều triển vọng để phát triển. Cụ thể, tính từ giai đoạn bắt đầu mở cửa từ năm 1996, CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) khối lượng container thông quan qua cảng biển Việt Nam luôn tăng cao hơn thế giới khoảng 2 lần. Việt Nam có vị trí nằm trên trục hàng hải lớn qua eo biển Singapore, động lực tăng trưởng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển hàng hóa qua các nước như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia… cùng với nhiều hiệp định thương mại, đối tác toàn diện được Chính phủ Việt Nam ký với các khu vực trên thế giới.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán HSC, quá trình giải phóng hàng tồn kho đã diễn ra từ nửa cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, đến nay lượng hàng tồn kho đã trở lại mức bình thường. Do đó, lượng hàng hóa thông qua cảng dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024 từ mức thấp trong năm 2023. Bên cạnh đó, các DN cảng biển còn được hưởng lợi từ việc tăng giá dịch vụ cảng biển sau khi Thông tư 39/2023/TT-BGTVT quy định mức khung giá cước nâng hạ container và các dịch vụ tại cảng biển Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/2 tới, giúp nâng cao triển vọng lợi nhuận.

Visits: 8

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *