Theo nhận định của ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered thì tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng GDP đạt 7,2% trong năm 2023. Trong đó ngành dịch vụ Logistics được ví như “mạch máu” của nên kinh tế quốc dân và đã đóng góp 4,5% vào tăng trường GDP năm 2022.
Như chúng ta đã biết GDP là một thước đo đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Theo quan điểm tổng chi tiêu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng hợp của tổng chi tiêu hộ gia đình, chi tiêu của chính phủ, tổng các nguồn vốn đầu tư và cán cân thương mại (kim ngạch xuất khẩu ròng) của nền kinh tế. Như vậy, khi nói về Logistics ngoài các dịch vụ giúp lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, Logistics còn bao gồm các khoản đầu tư của doanh nghiệp về trang thiết bị, nhà xưởng, hạ tầng bến bãi, mà những yếu tố này đang cấu thành trực tiếp vào sự tăng trường GDP của một quốc gia.
Ngành logistics, nơi thu hút các nguồn đầu tư
Theo số liệu thống kê từ năm 2013 đến nay, xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực Logistics ngày càng tăng. Các hình thức đầu tư có thể kể đến là thành lập doanh nghiệp hoặc trụ sở, chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam; hay các thương vụ mua bán sáp nhập xảy ra với số lượng và quy mô ngày càng lớn.
Việc đầu tư không dừng lại ở việc dịch chuyển dòng vốn quốc tế vào Việt Nam mà đi cùng với đó là việc chuyển giao công nghệ cũng như trang thiết bị, máy móc nhằm phục vụ cho các hoạt động Logistics. Theo số liệu thu thập của Houselink Inc. thì Bình Dương, Long An và Bắc Ninh là nhóm 3 tỉnh thu hút vốn đầu tư nhiều nhất theo hình thức dự án vào ngành Logistics trong các năm vừa qua. Các quốc gia Singapore, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc cũng là những cái tên dẫn đầu trong nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam chỉ xét trong lĩnh vực Logistics. Và đi theo đó là các xí nghiệp, nhà máy, các ngành công nghiệp từ các quốc gia này đã đổ bộ và mở rộng quy mô tại Việt Nam?
Việt Nam, một cái tên vàng trong các nền kinh tế vẫn duy trì sự tăng trưởng trong đại dịch Covid-19, đã tận dụng lợi thế rất tốt là cửa ngõ hành lang giao thương quan trọng trong khu vực và mang tầm quốc tế. Trong khi nền sản xuất, cụ thể hơn là các hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu vẫn còn bị ảnh hưởng thì Việt Nam đã và đang kêu gọi đầu tư rất hiệu quả vào ngành Logistics cả về hạ tầng lẫn nguồn nhân lực. Chính việc nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ Logistics này giúp các thương hiệu lớn trên thế giới chọn Việt Nam như là một điểm đến sắp tới và đón đầu sự tăng trưởng sau đại dịch.
Đâu là thách thức để nâng cao vị thế ngành logistics
“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Và đã là hoạt động thương mại thì việc nghiên cứu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vượt trội với thị trường, khai thác tối đa lợi thế đang có; chủ động quảng bá, tìm kiếm, duy trì và phát triển khách hàng ổn định là việc làm quan trọng hàng đầu. Với những gì chúng ta đã đạt được, nếu không có động thái mới thì khi các doanh nghiệp FDI rời đi, chúng ta sẽ khó tự mình khai thác khối tài sản và hạ tầng đang có. Nhìn chung trong khu vực, Việt Nam là nước có mặt tiền bờ biển trải dài trên tuyến đường giao thương quốc tế, nên chăng chúng ta cần liên kết với các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á đặc biệt là các nước ở bán đảo Đông Dương, Thái Lan, Myanmar để tối ưu và tối đa nguồn hàng, quãng đường. Dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới (CBT), khu thương mại tự do (FTZ) đang là điểm sáng đắt giá giúp chúng ta nâng cao vai trò Logistics không những cho nền kinh tế quốc dân mà còn vị thế của Việt Nam trong khu vực.
Bên cạnh với các tín hiệu tích cực dưới góc độ đầu tư, ngành Logistics cũng vấp phải các rào cản không nhỏ về trình độ kỹ thuật cũng như khả năng quản lý vận hành đặc biệt là các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm bắt kịp xu hướng của thế giới.
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một mục tiêu quan trọng của nền kinh tế nói chung và ngành Logistics nói riêng theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên việc chuyển đổi số như thế nào cho hiệu quả vẫn là bài toán nan giải ngay cả đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Rào cản lớn nhất là về ngôn ngữ, quy trình và trình độ vận hành. Các bài học thất bại từ việc sao chép toàn bộ hệ thống vận hành và quy trình làm việc từ công ty mẹ ở nước ngoài vào Việt Nam tỏ ra không hiệu quả khi mà hệ thống trở nên phức tạp hơn nhiều so với thói quen vận hành thủ công của các bộ phận có liên quan. Việc chưa nhận diện được lợi ích lâu dài cũng như không có một kế hoạch tổng thể cho việc chuyển đổi số càng hạn chế việc phát triển và thu hút nguồn đầu tư vào lĩnh vực Logistics do không kết nối được sự quản lý và giám sát mang tính toàn cầu.
Ngoài chuyển đổi số thì mục tiêu “chuyển đổi xanh” cũng là một yêu cầu tất yếu không chỉ đối với các doanh nghiệp Logistics mà còn bắt buộc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi các phương tiện chuyên chở sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang dần bị hạn chế và thay thế ở nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ thì một trong những yêu cầu tiếp theo là các đối tác của họ ở các nước như Việt Nam cũng phải tuân thủ các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên việc thay đổi chắc chắn chưa thể thực hiện trong ngắn hạn mà cần thời gian và kế hoạch chuyển giao từ công nghệ cho đến các quy định và cả chính sách vĩ mô, đặc biệt là vốn.
Visits: 53