Hướng dẫn về Hồ sơ, Thủ tục Hải quan TIÊU HỦY tại Việt Nam đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn thuộc HỢP ĐỒNG GIA CÔNG. Nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm thuộc loại hình NHẬP SẢN XUẤT XUẤT KHẨU và HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ TIÊU HỦY HÀNG HÓA LOẠI HÌNH GC, SXXK, DNCX:
1. Luật Hải quan ngày 23/6/2014.
2. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06/4/2016.
3. Luật Quản lý ngoại thương ngày 12/6/2017
4. Luật bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020.
5. Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 sửa đổi tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định số 69/2018/NĐ- CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương: Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
6. Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2018 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
7. Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
II. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN TIÊU HỦY HÀNG HÓA LOẠI HÌNH GC, SXXK, DNCX:
1. Hồ sơ tiêu hủy:
a) Đối với loại hình Gia công:
Theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 42 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, hồ sơ đề nghị tiêu hủy gồm:
– Văn bản của tổ chức, cá nhân gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị phương án sơ hủy, tiêu hủy: 01 bản chính.
Văn bản nêu rõ các nội dung: Hàng hóa tiêu hủy thuộc Hợp đồng gia công Tên hàng; Mã nguyên liệu/sản phẩm…(nếu có); Số lượng; Đơn vị tính (theo tờ khai nhập khẩu đối với trường hợp tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc; theo thỏa thuận HĐGC đối với tiêu hủy phế liệu, sản phẩm hỏng, lỗi); Phương án sơ hủy, tiêu hủy; Hình thức, thời gian dự kiến và địa điểm tiêu hủy.
– Hợp đồng gia công hoặc Chỉ định thông báo tiêu hủy của đối tác thuê gia công (nộp 1 lần khi nộp hồ sơ lần đầu): 01 bản sao;
– Văn bản cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tiêu hủy phế liệu, phế phẩm: 01 bản sao;
– Hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý phế liệu, phế phẩm (nộp 1 lần khi nộp hồ sơ lần đầu): 01 bản sao;
– Giấy phép môi trường của đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý phế liệu, phế phẩm theo quy định (nộp 1 lần khi nộp hồ sơ lần đầu): 01 bản sao.
b) Đối với loại hình nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu (SXXK), hàng hóa của DNCX.
Theo quy định Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT; Điều 72 Thông tư số 38/2015/TT-BTC; Điều 75, 79 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 51, 55 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, hồ sơ đề nghị tiêu hủy gồm:
– Văn bản của tổ chức, cá nhân gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy: 01 bản chính.
Văn bản thông báo tiêu hủy phải thể hiện các nội dung:
+ Đối với tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị: tên hàng, số lượng, đơn vị tính, mã nguyên liệu vật tư theo tờ khai nhập khẩu;
+ Đối với phế liệu/phế phẩm: tên hàng, số lượng, đơn vị tính, mã sản phẩm;
+ Phương ăn tiêu hủy, hình thức, thời gian dự kiến và địa điểm tiêu hủy.
– Hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý phế liệu, phế phẩm (nộp 1 lần khi nộp hồ sơ lần đầu): 01 bản sao;
– Giấy phép môi trường của đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý phế liệu, phế phẩm theo quy định (nộp 1 lần khi nộp hồ sơ lần đầu): 01 bản sao.
c) Đối với doanh nghiệp ưu tiên (DNUT).
Hồ sơ tiêu hủy theo hướng dẫn từng loại hình hoạt động xuất nhập khẩu tại khoản a, b mục 1 phần II công văn này.
2. Trình tự thực hiện:
Doanh nghiệp có văn bản thông báo tiêu hủy gửi đến Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc.
Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị tiêu hủy.
– Công chức được phân công kiểm tra:
+ Việc thỏa thuận phương án tiêu hủy thể hiện trong Hợp đồng gia công hoặc Chỉ định thông báo tiêu hủy của đối tác thuê gia công;
+Tên hàng, chủng loại, số lượng đề nghị tiêu hủy phù hợp với Hợp đồng gia công đã thông báo với cơ quan hải quan hoặc tờ khai nhập khẩu; + Thời gian, hình thức, địa điểm tiêu hủy phải phù hợp với Hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý phế liệu, phổ phẩm và phù hợp với Giấy phép môi trường của đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý phế liệu, phế phẩm.
– Xử lý kết quả kiểm tra:
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, phù hợp thì yêu cầu doanh nghiệp bổ sung.
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, phù hợp:
++) Đối với DNUT, cơ quan hải quan không thực hiện giám sát, công chức tiếp nhận văn bản thông báo tiêu hủy, lưu, theo dõi, đánh giá quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
++) Các trường hợp khác, thực hiện theo các bước sau dưới đây.
Bước 2: Báo cáo đề xuất giám sát tiêu hủy.
– Lập Tờ trình báo cáo Chi cục trưởng phê duyệt kế hoạch sơ hủy (nếu có), tiêu hủy, gồm các nội dung: Hình thức, thời gian, địa điểm thực hiện sơ hủy, tiêu hủy Phương thức giám sát; Công chức thực hiện giám sát quá trình sơ hủy, tiêu hủy.
– Chi cục có văn bản thông báo cho doanh nghiệp biết các nội dung đã được phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Bước 3: Giám sát tiêu hủy.
– Trong quá trình tiêu hủy, doanh nghiệp có đề nghị sơ hủy: Chi cục giám sát theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.
– Đối với tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của loại hình gia công: Chỉ cục thực hiện giám sát theo quy định tại Điều 44 Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính Phủ.
– Đối với tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của loại hình SXXK và DNCX: Chi cục đánh giá, quyết định phương thức giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
Đối với tiêu hủy thành phẩm, bán thành phẩm (bị lỗi hỏng hoặc các lý do khác), căn cứ tinh hình thực tế Chỉ cục quyết định biện pháp giám sát phù hợp (bao gồm cả giám sát sơ hủy nếu có) đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quy định pháp luật, không để tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thẩm lậu vào thị trường.
– Đối với tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị: Chi cục thực hiện giám sát trực tiếp trừ trường hợp nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tiêu hủy có trị giá dưới 1.000.000 đồng hoặc số tiền thuế dưới 50.000 đồng.
– Trường hợp không thực hiện giám sát trực tiếp: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện tiêu hủy theo đúng phương án đã thông báo với cơ quan hải quan. Kết thúc tiêu hủy, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo Chỉ cục hải quan quản lý kết quả tiêu hủy kèm chứng từ xác nhận của đơn vị thực hiện tiêu hủy.
– Trường hợp giám sát trực tiếp: Tại địa điểm tiêu hủy, công chức giám sát toàn bộ hàng hóa đưa vào tiêu hủy; Kết thúc tiêu hủy, lập biên bản xác nhận việc tiêu huỷ.
Trường hợp hàng hóa tiêu hủy thực hiện trong nhiều ngày, thì việc giám sát tiêu hủy được ghi nhận biên bản vào cuối ngày.
Bước 4: Hoàn thiện lưu trữ hồ sơ tiêu hủy.
– Công chức giám sát tiêu hủy lập báo cáo Lãnh đạo Chi cục về kết quả thực hiện giám sát tiêu hủy.
– Lập sổ theo dõi các lô hàng tiêu hủy và lưu trữ hồ sơ tiêu hủy tại Chi cục
– Chuyển thông tin cho bộ phận liên quan để phục vụ các nghiệp vụ: tiếp nhận, kiểm tra Báo cáo quyết toán.
Visits: 46