Đây là kiến nghị được đưa ra tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và UBND của 4 tỉnh: TP. Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh sáng nay, 2.3.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 732,5 tỷ USD
Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết: hoạt động xuất nhập khẩu được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, xác định đóng vai trò quan trọng với phát triển nền kinh tế – xã hội, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Hoàng Quang Phòng. Ảnh: Thanh Bình
Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương với trên 200% GDP, và trở thành một trong 20 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 371,9 tỷ USD, tăng 10,6%. Tổng thể trong năm 2022, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 11,2 tỷ USD giá trị hàng hóa. Sản phẩm từ Việt Nam hiện đã có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng tại 4 địa phương gồm: TP. Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt khoảng xấp xỉ 46 tỷ USD, chiếm khoảng 12,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước… Những kết quả trên cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã có những nỗ lực vượt bậc với tinh thần chủ động vượt qua thách thức để có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của hoạt động thương mại quốc tế…
Khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tìm hiểu thông tin TTHC
Đề cập đến vấn đề thủ tục hành chính, đại diện Ban pháp chế VCCI cho biết, theo đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, kết quả từ một số khảo sát giai đoạn 2020-2022 cho thấy, khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính. Doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm nhìn chung phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn khó khăn hơn các nhóm khác. Khi khảo sát về thực hiện các thủ tục hải quan, các doanh nghiệp cho biết quy định thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu động bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Vẫn còn tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra bị chồng chéo; doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan và ở giai đoạn khai hải quan.
Bên cạnh đó, việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp cho biết trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp. Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà; thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các Bộ, ngành mới giải quyết xong việc.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp hiện còn lo ngại về việc kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hóa chưa được nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ. Thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan; dịch vụ logistics chưa có chuỗi toàn diện như cảng biển, kho tàng, bến bãi, nên còn phức tạp chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, hàng phải bảo quản lạnh, chưa có chỗ chứa ở khu vực cảng; chi phí cho lao động tại cảng, giao thông nội địa cao gần gấp đội so với chi phí cảng biển…
Giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu
Chia sẻ những khó khăn tại hội nghị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Logistics và khai thác cảng Lokaport – thành viên Hiệp hội logitic Hải Phòng Lê Mạnh Cương cho biết: hiện nay Hệ thống một cửa quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW) khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn còn có công đoạn thủ công. Bên cạnh đó, còn nhiều mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ, ngành trở nên.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics và khai thác cảng Lokaport Lê Mạnh Cương. Ảnh: Thanh Bình
Để tạo sự thuận lợi cho hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương Lương Thu Hương đề nghị, các bộ ngành cần tiếp tục cải cách hành chính để giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý xuất nhập khẩu hải quan, cán bộ chuyên môn để hạn chế tối đa ách tắc, tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần tăng cường chuyển đổi số, bảo đảm truyền dữ liệu thông suốt giữa các đơn vị quản lý. Tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý hải quan làm cánh tay nối dài hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện, tuân thủ đúng các quy định về xuất – nhập khẩu.
Thanh Bình
Visits: 6