Mặc dù các biến động địa chính trị toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại, nhưng Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để có thể thúc đẩy xuất khẩu.
Theo báo cáo quý 3/2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), chiến lược ngoại giao “cây tre” của Việt Nam đã giúp cân bằng lợi ích quốc gia trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, cuộc xung đột này cũng mang lại nhiều thách thức cho hoạt động thương mại quốc tế.
Cụ thể, Mỹ và EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, còn Nga là đối tác quan trọng trong khai thác dầu mỏ. Tuy nhiên, tình hình biến động đã tạo cơ hội cho các nước khác tham gia cung ứng hàng hóa đang thiếu hụt cho EU. EU đang tăng nhập khẩu các mặt hàng như than củi, dầu mỏ và hàng hóa thiết yếu, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để cơ hội này.
NEU khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường các đoàn công tác và tham gia diễn đàn thương mại để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU. Song song, cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính để thu hút luồng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), đặc biệt từ Mỹ và EU.
Báo cáo cũng nhấn mạnh cần tái cơ cấu ngành điện, năng lượng và đẩy mạnh tiếp nhận công nghệ qua FDI để nâng cao năng lực sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.
Dù còn khó khăn, xuất khẩu sang EU vẫn tăng trưởng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 38,02 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Cuối năm, nhu cầu từ Mỹ và EU sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là các ngành điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý các rủi ro liên quan đến yêu cầu phát triển bền vững, quy định mới về chuỗi cung ứng và chi phí vận tải biển cao.
Nguồn: Báo điện tử Hải quanVisits: 1