Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong khu vực với hai dự án lớn: nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành. Cả hai công trình được kỳ vọng trở thành những “vũ khí” quan trọng, giúp đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không lớn của khu vực.
Những bước tiến thần tốc
Công trình nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang tiến triển vượt bậc. Theo ông Lê Khắc Hồng, Trưởng ban Quản lý dự án, phần kết cấu đã hoàn thành, với mái thép 7.500 tấn và 42.000 m² mái nhôm đã hoàn tất. Các hạng mục còn lại như kiến trúc và đường điện cũng đang được gấp rút thực hiện. Đáng chú ý, nhiều nhà thầu đã hoàn thành trước thời hạn từ 15 đến 25 ngày, vậy nên dự án cũng dự kiến sẽ được hoàn thành vào dịp 30/04/2025, vượt tiến độ kế hoạch ban đầu.
Để đạt được tiến độ này, hơn 2.500 công nhân, kỹ sư và hàng trăm máy móc đã hoạt động liên tục, không nghỉ lễ hay Tết, đảm bảo tiến độ hoàn thành nhà ga có công suất 20 triệu khách mỗi năm.
Cận cảnh nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang dần hình thành – Ảnh: Chí Hùng – Lam Giang
Cảng hàng không quốc tế Long Thành – công trình thế kỷ
Cùng với Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đang vượt tiến độ. Gói thầu nhà ga hành khách dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025, trong khi đường băng, sân đỗ sẽ hoàn thành trước kế hoạch 3 tháng. Mục tiêu của ACV là đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 02/09/2026.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã biểu dương nỗ lực của ACV và các nhà thầu trong việc hoàn thành công trình lớn này, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.
Một góc “đại công trường” sân bay Long Thành, trong ảnh là nhà ga hành khách sân bay Long Thành – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Cơ hội cạnh tranh toàn cầu
Theo các chuyên gia, hạ tầng hàng không là yếu tố quan trọng để phát triển ngành. Với việc hoàn thành hai cảng hàng không lớn này, Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc để cạnh tranh trong ngành hàng không khu vực và quốc tế.
Nguồn: Báo điện tử Thanh niênVisits: 1