Trong tuần cuối tháng 9, ba tỉnh dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gồm Bắc Ninh, Đồng Nai, và Bình Dương, đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút hàng loạt dự án lớn. Đặc biệt, Bình Dương đã cấp phép cho 8 dự án với tổng vốn 1,8 tỷ USD, Đồng Nai trao giấy chứng nhận cho 17 doanh nghiệp với vốn đầu tư 6 tỷ USD, và Bắc Ninh thu hút 18 dự án, trị giá 5,6 tỷ USD.
Bắc Ninh không kém phần sôi động với các dự án công nghệ lớn như Foxconn (383,3 triệu USD), Goertek (280 triệu USD), và Amkor tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD. Samsung cũng cam kết đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào nhà máy sản xuất màn hình và linh kiện điện tử, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất công nghệ toàn cầu.
Samsung chọn Việt Nam là nơi sản xuất nghiên cứu quan trọng – Ảnh: Báo điện tử Thanh niên
Bắc Giang, nơi đặt nhà máy của Foxconn, cũng gây chú ý với dự án lắp ráp iPad và MacBook, tổng vốn đầu tư hơn 12.507 tỷ đồng, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển năng lực sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam.
Ngoài Bắc Ninh và Bắc Giang, các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đang tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và phát triển các chuỗi cung ứng phụ trợ. Các dự án đầu tư tại đây không chỉ tập trung vào điện thoại thông minh mà còn mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, thiết bị thông minh, và bán dẫn, xu hướng đầu tư vào công nghiệp phụ trợ và công nghệ xanh.
Thủ tướng Chính phủ bấm nút khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh: Nhật Thịnh
Samsung và nhiều tập đoàn công nghệ khác đang biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu. Chỉ riêng nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã sản xuất hơn 2,13 tỷ sản phẩm thuộc hệ sinh thái Galaxy, với khoảng 60% điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu điện thoại lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Ngoài điện thoại, các sản phẩm công nghệ khác như laptop, máy tính bảng, và thiết bị lưu trữ từ Việt Nam cũng đã có mặt trên khắp thế giới. Theo dự báo của Nikkei Asia, đến năm 2030, một nửa số laptop toàn cầu sẽ được sản xuất tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các tập đoàn lớn như Foxconn, Samsung, LG tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng phụ trợ mạnh mẽ, mà còn tạo nền tảng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, AI, và robot.
Vấn đề của Việt Nam vẫn là phát triển kỹ năng nguồn nhân lực công nghệ nói chung, trong đó nhân lực ngành bán dẫn, chip vì đây là ngành quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai. FDI quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự tự chủ về nguồn lực mới thu hút được nguồn vốn sạch, bền vững.
PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng
Visits: 2