Trong 7 tháng đầu năm 2024, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 3.920 tỷ NDT, tương đương hơn 546 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam dẫn đầu khối ASEAN về tốc độ tăng trưởng thương mại với Trung Quốc, đạt gần 113 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,6%, còn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam lên tới 79,2 tỷ USD, tăng 34,9%.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với EU và Mỹ đã thúc đẩy đất nước đông dân này chuyển hướng đầu tư và tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực năng lượng mới, ô tô điện, và cơ sở hạ tầng tại những khu vực này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với nông sản và thủy sản chế biến từ ASEAN.
Nhà máy chế biến hoa quả của Tập đoàn TH – Ảnh: Phan Hậu
Mối quan hệ thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã được củng cố đáng kể kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được thực thi vào năm 2005. Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do có tỷ lệ tận dụng cao, đặc biệt đối với Việt Nam. Nhờ ACFTA, thuế quan cho hơn 7.000 chủng loại sản phẩm đã được giảm xuống 0%, khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009. Năm 2020, ASEAN vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và duy trì vị trí này cho đến nay.
Hiện tại, ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán nâng cấp Hiệp định ACFTA để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế. Phiên đàm phán lần thứ 8 đã kết thúc vào ngày 9/8 tại Quảng Ninh, Việt Nam. Việc nâng cấp này sẽ không chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa và đầu tư, mà còn bao gồm các lĩnh vực mới như kết nối chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, và kinh tế số.
Khu vực ASEAN và Trung Quốc, với hơn 2 tỷ dân, chiếm 1/5 quy mô kinh tế toàn cầu, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và giao thương đang là ưu tiên hàng đầu của hai bên trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn: Báo điện tử Đầu tưVisits: 1