QUY TRÌNH XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG BIỂN

Vận tải quốc tế bằng đường biển là hình thức vận chuyển hàng hóa có từ lâu đời và được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Vì vậy ở nước ta việc xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển thường được lựa chọn làm phương thức vận chuyển cho lô hàng xuất – nhập khẩu.

Vậy vận tải quốc tế bằng đường biển có đặc điểm gì và quy trình xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

1. Vận tải quốc tế khi xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển là gì?

Đại dương chiếm ¾ diện tích trái đất vì vậy không vô lí khi nói rằng vận tải quốc tế khi nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc chuyên chở hàng hóa trên thị trường thế giới.

Hầu hết các quốc gia phát triển nhất trên thế giới đều là những quốc gia có bờ biển dài, hệ thống cảng biển sầm uất, hiện đại. So với các phương thức vận chuyển hàng hóa khác thì khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển chiếm gần 80% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên toàn thế giới.

Dịch vụ vận tải quốc tế bằng đường biển là loại hình vận tải quốc tế mà phương tiện vận tải chỉ di chuyển trên mặt biển nhằm chuyên trở hàng hóa từ quốc gia này đến quốc gia khác.

Đặc điểm của vận tải quốc tế bằng đường biển:

  • Phương tiện vận chuyển chủ yếu là tàu biển công suất lớn.
  • Quãng đường vận chuyển ở trên mặt biển (mặt nước).
  • Tuyến vận tải thường đi qua nhiều cảng biển.

Phân loại hàng hóa đường biển:

  • Hàng thông thường
  • Hàng nguy hiểm: phải kiểm tra MSDS / mục 14

Một số hãng tàu biển trên thế giới: Maersk, CMA-CGM, APL, PIL, NYK, K’LINE, OOCL, COSCO, Evergreen, Yangming, Hamburg Sud, UASC, WANHAI, TS LINE, SITC……….

Một số cảng biển lớn trên thế giới:

  • Châu Âu: Hamburg, Rotterdam, Antwerp, Genoa, Piraeus, Southampton…..
  • Châu Á: Singapore, Hongkong, Bangkok, Port Kelang, Taichung, Busan, Ho Chi Minh, Jebel Ali, Nhava sheva, Osaka, Tokyo, Shanghai, Shenzhen…….
  • Châu Mỹ: Longbeach, New York, Valparaiso, Buenos Aires……
  • Châu Phi: Johanesburg, Durban
  • Châu Úc: Sydney, Brisbane, Melburne, Auckland

2. Ưu, nhược điểm khi vận chuyển bằng đường biển

2.1. Ưu điểm

  • Mở rộng giao thương với thế giới
  • Năng lực chuyên trở của vận tải đường biển rất lớn
  • Vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn
  • Phù hợp với mọi loại hàng hóa
  • Chi phí vận tải đường biển thường thấp hơn chi phí các phương thức vận tải khác khá nhiều.
  • Chuyên trở được hàng cồng kềnh, đa dạng (đây là ưu điểm khiến vận tải đường biển được sử dụng phổ biến trên thế giới từ trước tới nay).

2.2. Nhược điểm

  • Thời gian chuyên chở hàng hóa khá dài so với các hình thức vận tải khác (tốc độ tàu còn thấp, việc tăng tốc độ khai thác của tàu còn bị hạn chế)
  • Vận tải đường biển đòi hỏi kỹ thuật cao về bảo quản chất lượng hàng hóa trên tàu
  • Rủi ro trong quá trình vận tải bằng đường biển là khá cao và nguy hiểm (vận tải biển phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên)

3. Quy trình xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển

Bước 1: Ký hợp đồng

Bước đầu tiên trong quy trình xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển là việc ký kết hợp đồng giữa 2 bên với các điều khoản được thỏa thuận.

Các điều khoản bắt buộc:

  1. Tên hàng
  2. Chất lượng
  3. Số lượng
  4. Giá
  5. Thanh toán
  6. Giao hàng

Sau khi hợp đồng được ký kết, người xuất khẩu sẽ tiến hành các công việc theo hợp đồng với các bước tiếp theo dưới đây.

Bước 2: Xin giấy phép (nếu có)

Trường hợp 1: Không phải xin giấy phép xuất khẩu đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ

Khi cơ quan hoặc doanh nghiệp bạn kinh doanh những mặt hàng thông thường được sự cho phép của cơ quan chủ quản hoặc các bộ chuyên ngành.

Trường hợp 2: Bắt buộc phải xin giấy phép xuất khẩu

Đối với những hàng hóa thuộc diện quản lý đặc biệt của chính phủ.

Những hàng hóa cần cấp phép xuất khẩu là những mặt hàng bị hạn chế hay xuất khẩu có điều kiện, khi kinh doanh những mặt hàng này đòi hỏi phải xin giấy phép từ các cơ quan có thẩm quyền.

  • Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ
  • Các văn bản khác có liên quan của cơ quan quản lý mặt hàng đó

Bộ hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu bao gồm:

  • Đơn xin cấp phép
  • Hợp đồng xuất khẩu
  • Báo cáo tình hình thực hiện

Bước 3: Xác nhận thanh toán

Hồ sơ pháp nhân của công ty (giấy đăng ký kinh doanh, mã số thuế, mã số XNK).

Một trong những nội dung quan trọng trong quy trình xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển là vấn đề thanh toán.

Những vướng mắc trong vấn đề thanh toán thường mang lại rủi ro cao cho nhà xuất khẩu. Nội dung của điều khoản thanh toán dù đã được đề cập rất rõ trong hợp đồng nhưng cũng chưa đảm bảo chắc chắn rằng rủi ro thanh toán sẽ không xảy ra. Nghiệp vụ kiểm tra xác nhận thanh toán là một trong những nghiệp vụ rất quan trọng khi tổ chức thực hiện hợp đồng ngoại thương theo những điều khoản trong hợp đồng.

Căn cứ vào hình thức thanh toán có thể tóm lược nghiệp vụ kiểm tra xác nhận thanh toán của các bạn hàng như sau:

Trường hợp 1: Thanh toán bằng tiền mặt

Khi thanh toán bằng tiền mặt đòi hỏi nhà xuất khẩu phải hoàn tất các thủ tục thanh toán để làm chứng từ kế toán.

Chứng từ quan trọng nhất để thanh toán bằng tiền mặt là hóa đơn kiêm phiếu thu tiền.

Hóa đơn thương mại hay phiếu thu tiền kiêm hóa đơn bán hàng đều là những chứng từ ghi nhận các nội dung về hàng hóa, số lượng đơn giá  và số tiền thanh toán.

Lưu ý quan trọng nhất khi thanh toán bằng tiền mặt là nhà xuất khẩu hàng hóa phải kiểm tra được chất lượng tiền và số lượng tiền.

(Ví dụ: Hóa đơn kiêm phiếu thu tiền)

Trường hợp 2: Thanh toán bằng phương thức nhờ thu

Trong trường hợp thanh toán bằng phương thức nhờ thu thì nhà xuất khẩu phải cẩn trọng hơn vì phương thức này thường không an toàn cho nhà xuất khẩu.

Khi thanh toán bằng phương thức nhờ thu nhà xuất khẩu cần phải xem xét uy tín và tiềm lực tài chính của đối tác qua các nghiệp vụ thẩm tra quốc tế, thông thường quá trình thẩm tra được tiến hành trước khi có quyết định ký hợp đồng ngoại thương với điều khoản thanh toán nhờ thu.

Chú ý: Lưu ý quan trọng nhất khi thanh toán bằng phương thức nhờ thu là nhà xuất khẩu phải thẩm định được khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu bằng cách gửi các chứng từ liên quan như: Đơn bảo lãnh của ngân hàng, Cam kết thanh toán, Báo cáo tài chính thường niên 2 năm có kiểm toán.

Trường hợp 3: Thanh toán bằng điện chuyển tiền (T/T, TTR)

Trong trường hợp thanh toán bằng điện chuyển tiền nhà xuất khẩu thường quan tâm tới thời điểm thanh toán.

Nếu được thanh toán trước thì các nhà xuất khẩu chỉ cần kiểm tra bản fax, điện chuyển tiền của đối tác để đối chiếu với tài khoản ngoại tệ ở ngân hàng.

Trên thực tế khi nhận được giấy báo có của ngân hàng thì nhà xuất khẩu mới thực sự an tâm xuất hàng hóa và đảm bảo thanh toán được tiền hàng.

Chú ý: Để đảm báo chắc chắn nhà xuất khẩu nhận được tiền từ đối tác thì nhà xuất khẩu phải làm 2 nghiệp vụ sau:

  • Phải yêu cầu nhà nhập khẩu có bản sao lệnh chuyển tiền.
  • Liên hệ trực tiếp với ngân hàng xem tiền có thực sự nổi trên tài khoản ngoại tệ của mình hay không.

Trường hợp 4: Thanh toán bằng thư tín dụng chứng từ (L/C)

  • Đầu tiên nhà xuất khẩu phải xem xét kỹ các nội dung của thư tín dụng.
  • Phương thức thanh toán của thư tín dụng là trả chậm, ngay, dần.
  • Hình thức của thư tín dụng.
  • Kiểm tra nội dung của thư tín dụng như: Ngày, ngân hàng phát hành, nơi và địa điểm hết hạn tín dụng, loại tiền và tổng giá trị của lô hàng.
  • Kiểm tra các điều kiện và nội dung của hàng hóa theo tinh thần hợp đồng như: Tên người hưởng lợi, tên ngân hàng, tên tài khoản.
  • Kiểm tra yêu cầu thanh toán khi xuất trình.
  • Kiểm tra yêu cầu các bộ chứng từ cần thanh toán.
  • Kiểm tra quan hệ đại lý giữa các ngân hàng và các điều kiện khác của L/C.

Chú ý: Chú ý để rủi ro mà nhà xuất khẩu phải chịu là thấp nhất thì trong hợp đồng ngoại thương nhà nhập khẩu lên đàm phán để có được phương thức thanh toán bằng L/C không hủy ngang và có xác nhận.

Bước 4: Chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu

Sau khi kiểm tra xác nhận thanh toán của khách hàng thì nhà xuất khẩu cần tập trung vào chuẩn bị hàng hóa cho xuất khẩu. Trên thực tế nhà xuất khẩu có thể là nhà sản xuất hoặc thương nhân nên nghiệp vụ chuẩn bị hàng để xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển cũng rất đa dạng.

Trường hợp 1: Hình thức thu mua để xuất khẩu

Các bước cần làm để có được hàng hóa là:

  • Tổ chức mạng lưới thu mua
  • Tổ chức tuyển chọn và lưu giữ
  • Vận chuyển bảo quản nhập kho và xuất khẩu.

Trường hợp 2: Gia công chế biến xuất khẩu.

Các bước cần làm là:

  • Rà soát các khâu, quá trình sản xuất và bố trí trang thiết bị và nhân sự
  • Ký hợp đồng thu mua nguyên vật liệu hoặc nhận vật tư
  • Tổ chức sản xuất hoặc gia công
  • Kiểm tra hàng nhập kho để chờ xuất khẩu.

Trường hợp 3: Liên doanh liên kết để xuất khẩu.

Các bước chuẩn bị hàng xuất là:

  • Ký kết hợp đồng đặt hàng hoặc ký kết hợp đồng xuất khẩu.
  • Tổ chức theo dõi giám sát quá trình thực hiện.
  • Tổ chức thanh, quyết toán.

Chú ý: Trong bước này nhà nhập khẩu thường yêu cầu trong hợp đồng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Invoice.

Bước 5: Kiểm tra hàng xuất

Hàng hóa xuất khẩu thường có tiêu chuẩn cao theo các tiêu chí quốc tế nên khi hàng hóa được sản xuất hay chế biến xong cần phải có sự kiểm tra đánh giá để có các chứng thư chứng nhận về chất lượng và số lượng hàng hóa.

Mặt khác giấy chứng nhận về chất lượng và số lượng về lô hàng xuất khẩu thường được quy định là một trong các chứng từ thanh toán cần xuất trình cho ngân hàng thanh toán.

⇒ Do đó các nhà xuất khẩu sẽ phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu để phát hành chứng thư.

Tùy theo quy định về người ký phát chứng thư về chất lượng và số lượng của lô hàng xuất khẩu bằng đường biển mà các nhà xuất khẩu sẽ tổ chức nghiệp vụ này theo 2 cách sau:

Trường hợp 1: Nhà xuất khẩu tự kiểm tra và phát hành chứng thư

Các bước cần thực hiện là:

  • Ra quyết định thành lập hội đồng chứng thư: PGĐ kinh doanh, trưởng phòng xuất nhập khẩu, trưởng phòng tài chính
  • Tổ chức tiến hành kiểm tra hàng mẫu theo các phương pháp
  • Lập biên bản đánh giá với đầy đủ chữ ký của hội đồng
  • Soạn thảo và trình ký chứng  thư.

Trường hợp 2: Chứng thư do cơ quan thuê ngoài cấp

Các bước cần làm để có được chứng thư:

  • Liên hệ với các công ty giám định như: SGS, VINACONTROL,…để lấy lịch trình và bảng báo giá.
  • Thỏa thuận giá cả và lên hợp đồng
  • Tổ chức tiếp đón đại diện cơ quan giám định
  • Tổ chức phối hợp kiểm tra hàng xuất khẩu
  • Lập biên bản giám định
  • Thanh toán cước phí và lấy chứng thư, thanh lý hợp đồng.

Chú ý: Trong bước chuẩn bị hàng xuất hiện giấy chứng nhận về số lượng, chất lượng.

Bước 6: Thuê tàu

Nghiệp vụ này thường do các điều kiện và cơ sở giao hàng quyết định nghĩa vụ, chi phí và chuyển rủi ro hàng hóa. Nghĩa vụ thuê tàu (nếu có) đối với nhà xuất khẩu thuộc về các điều kiện thuộc nhóm C, D trong Incoterms.

Về cơ bản thực hiện việc thuê vận chuyển chặng chính sẽ phải thực hiện những bước sau:

  • Liên hệ với đại lý vận chuyển để lấy thông tin về lịch trình và giá cước
  • Lựa chọn hãng vận chuyển, chuyến vận chuyển và đăng ký chuyển hàng, thuê dịch vụ cần thiết như vỏ công bốc xếp
  • Tổ chức giao hàng cho hãng vận chuyển, người chuyên chở ký biên bản giao hàng
  • Cung cấp thông tin bổ sung cho hãng vận chuyển chuẩn bị vận đơn
  • Đổi biên lai hay biên bản lấy vận đơn và thanh toán cước phí.

Chú ý: Trong bước này sẽ xuất hiện vận đơn đường biển Sea way bilL

Bước 7: Mua bảo hiểm

Việc mua bảo hiểm (nếu có) cũng không phải là bắt buộc đối với nhà nhập khẩu. Trong các điều kiện mua bán theo các điều kiện CIF, CIP nhà xuất khẩu mới thực hiện nghiệp vụ mua bảo hiểm.

Để mua được bảo hiểm nhà xuất khẩu phải có hợp đồng ngoại thương và các chưng từ liên quan đến việc giao hàng theo hợp đồng đó.

Vì vậy cần xem xét kỹ hợp đồng và thư tín dụng để thực hiện các nghiệp vụ sau:

  • Liên hệ với các công ty bảo hiểm lấy danh sách cước phí chọn mua bảo hiểm theo hợp đồng xuất khẩu và thư tín dụng quy định (Điều kiện A, B, C)
  • Đàm phán và ký kết hợp đồng
  • Cung cấp các chứng từ cần thiết liên quan
  • Thanh toán cước phí và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm.

Chú ý:

  • Trong bước mua bảo hiểm này sẽ xuất hiện giấy chứng nhận bảo hiểm IP/IC.
  • Nếu trong hợp đồng không có quy định mức mua bảo hiểm thì mua ở mức bảo hiểm thấp nhất.

Bước 8: Làm thủ tục hải quan

Trước khi giao hàng lên phương tiện vận tải người xuất khẩu cần phải khai báo hải quan cho các điều kiện cơ sở giao hàng nhóm F, C, D. Thực hiện việc thông quan hàng hóa theo quy định của quốc gia sở tại.

Đối với Việt Nam việc thông quan hàng hóa cần phải xuất trình các chứng từ hải quan bao gồm:

  • Tờ khai hải quan
  • Hợp đồng xuất khẩu
  • Phiếu đóng gói
  • Giấy chứng nhận số lượng, chất lượng
  • Hồ sơ pháp nhân doanh nghiệp
  • Giấy phép xuất khẩu nếu có.

Quy trình và nghiệp vụ khai báo và thông quan hàng hóa bao gồm:

(1): Mua tờ khai và khai báo theo mẫu quy định(không dùng bản sao hay tẩy xóa).

(2): Nộp tờ khai và đang ký đợi kiểm hóa.

(3): Nhận thông báo kiểm hóa vận chuyển hàng đến địa điểm kiểm hóa.

(4): Ký xác nhận chủ hàng vào tờ khai, để hải quan kẹp chì, xin xác nhận hàng đã kiểm của hải quan và nhận thông báo thuế nếu có.

Chú ý:

  • Thông quan điện tử không phải doanh nghiệp nào cũng được thông quan mà phải dựa vào uy tín của doanh nghiệp và loại hàng mà doanh nghiệp thông quan.
  • Trên tờ khai tờ khai bao giờ cũng có mã số mã vạch.
  • Kê khai vào tờ khai hải quan và phụ lục tờ khai sẽ xác định được loại hình kinh doanh.
  • Trong bước này xuất hiện một loại chứng từ mới là tờ khai hải quan.

Bước 9: Giao hàng

Nghiệp vụ vận chuyển chặng chính sẽ liên quan đến cách giao hàng của nhà xuất khẩu. Căn cứ vào việc lưu kho, lưu bãi sẽ có hai cách giao hàng xuất khẩu như sau:

Trường hợp 1: Đối với hàng phải lưu kho, lưu bãi nhà xuất khẩu giao hàng cho chủ kho hay chủ cảng và sau đó chủ kho hay chủ cảng chủ động giao hàng lên tàu.

Các nghiệp vụ này bao gồm:

  • Giao danh mục hàng xuất khẩu (Cargo list) và đăng ký với phòng điều độ bố trí kho bãi và lập phương án xếp dỡ
  • Lấy lệnh nhập hàng vào kho hàng
  • Giao hàng vào kho bãi.

Trường hợp 2: Đối với hàng xuất khẩu không cần lưu kho lưu bãi hãy giao trực tiếp cho hãng tàu vận chuyển

Các nghiệp vụ này bao gồm:

  • Kiểm dịch hay kiểm nghiệm (nếu có)
  • Thông báo ngày giữa phương tiện dự kiến đến cảng cho cảng biển, chấp nhận thông báo sẵn sàng
  • Giao cho các danh mục hàng xuất khẩu phối hợp với thuyền phó lên phương án sơ đồ xếp hàng
  • Thuê đội tàu xếp dỡ của cảng biển, lấy lệnh xếp hàng ấn định máng xếp hàng, xe và đội bốc xếp hay người áp tải hàng
  • Tổ chức giao hàng lên phương tiện vận chuyển
  • Lấy biên lai thuyền phó (Mate’s receipt) để đổi lấy vận đơn đồng thời lập bảng tổng kết hàng với đầy đủ xác nhận của các bên

Căn cứ vào việc gửi hàng theo phương thức đóng cont cũng có hai phương thức là gửi hàng nguyên cont và gửi hàng lẻ

Trường hợp 1: Nhà xuất khẩu gửi hàng nguyên cont sẽ thực hiện những nghiệp vụ sau

  • Liên hệ với hãng vận chuyển hay đại lý để lấy đăng ký gửi hàng kèm danh mục hàng xuất.
  • Thuê hay mượn vỏ công bằng cách lấy lệnh cấp vỏ từ hãng kèm phiếu đóng gói và kẹp chì hãng tàu.
  • Đóng hàng vào cont kẹp chì hàng tài vận chuyển đến cảng biển.
  • Lấy biên bản giao nhận để làm căn cứ giao hàng lên tàu và đổi lấy vận đơn.

Trường hợp 2: Nhà xuất khẩu gửi hàng lẻ cũng thực hiện các bước như đóng hàng nguyên cont nhưng cần bỏ sung cách giao hàng không dùng nguyên vỏ cont

Hàng hóa sẽ giao cho người chuyên chở để gom hàng đóng cont tại địa điểm của hãng vận chuyển hay đại lý ấn định.

Người chuyên chở xếp cont lên tàu và ký phát vận đơn cho người gửi hàng.

Bước 10: Làm thủ tục thanh toán

Trường hợp 1: Thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển tiền.

Trong trường hợp thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển tiền sau khi giao hàng thì nghiệp vụ làm thủ tục thanh toán thực hiện tương tự như khi kiểm tra xác nhận thanh toán.

Trường hợp 2: Thanh toán bằng phương thức nhờ thu

Trong trường hợp thanh toán bằng phương thức nhờ thu cần chú ý đến các nghiệp vụ yêu cầu thanh toán từ phía nhà xuất khẩu. Để đảm bảo được thanh toán tiền hàng, nhà xuất khẩu thường phải thực hiện các nhiệm vụ như: Phát thư theo yêu cầu thanh toán, chuyển chứng từ, ký phát hối phiếu đòi tiền….

Chú ý: Phương thức này thường mang lại rủi ro cho nhà xuất khẩu nên các nhà xuất khẩu phải thận trọng khi áp dụng phương thức này.

Trường hợp 3: Thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) trả ngay không hủy ngang

Việc thanh toán bằng phương thức này thì việc thanh toán tiền hàng xuất khẩu sẽ dựa vào việc xuất trình chứng từ thanh toán hợp lệ với ngân hàng. Bộ chứng từ thanh toán hợp lệ với ngân hàng được quy định chi tiết trong thư tín dụng với những yêu cầu chung như sau:

  • Tất cả chứng từ phải hợp lệ, không thừa không thiếu chứng từ.
  • Bộ chứng từ phải không có sai sót về mặt hình thức, chữ viết, ký tự hay nội dung.
  • Số lượng chứng từ về bản sao và bản chính phải đầy đủ.
  • Xuất trình trong thời hạn hiệu lực của thư tín dụng và của hợp đồng.

Bước 11: Xử lý khiếu nại

Nghiệp vụ giải quyết khiếu nại chỉ xảy ra khi có sự khiếu lại từ phía khách hàng.Thông thường, khi có các khiếu nại của khách hàng về hàng hóa thì nhà xuất khẩu sẽ giải quyết theo tinh thần của hợp đồng.

Tóm tắt quy trình xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển

Bước 1: Ký hợp đồng

Bước 2: Xin giấy phép

Bước 3: Xác nhận thanh toán

Bước 4: Chuẩn bị hàng xuất

Bước 5: Kiểm tra hàng xuất

Bước 6: Thuê tàu 

Bước 7: Mua bảo hiểm

Bước 8: Làm thủ tục hải quan

Bước 9: Giao hàng

Bước 10: Làm thủ tục thanh toán

Bước 11: Xử lý khiếu nại

4. Những LƯU Ý khi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

  • Đóng gói hàng hóa: Hàng hóa cần được đóng gói kỹ càng để tránh bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Nên sử dụng các loại bao bì chuyên dụng và đảm bảo rằng hàng hóa được đóng gói đúng cách.
  • Chọn đơn vị vận chuyển uy tín: Chọn đơn vị vận chuyển có uy tín để đảm bảo an toàn cho hàng hóa của bạn.
  • Kiểm tra giấy tờ: Kiểm tra kỹ các giấy tờ liên quan đến hàng hóa trước khi vận chuyển để tránh các vấn đề pháp lý.
  • Lưu ý về thời gian vận chuyển: Thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường biển thường lâu hơn so với các phương tiện vận chuyển khác. Vì vậy, bạn cần lên kế hoạch vận chuyển hàng hóa của mình trước để đảm bảo rằng hàng hóa sẽ được giao đúng thời hạn.
  • Lưu ý về giá cước: Giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khoảng cách, khối lượng, kích cỡ hàng hóa, và điều kiện vận chuyển. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ về giá cước trước khi chọn đơn vị vận chuyển.

Trên đây là 11 bước cơ bản trong quy trình xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển và những lưu ý, tuy nhiên trong quá trình làm việc thực tế, chắc chắn sẽ còn rất nhiều vấn đề phát sinh. Vậy mới nói, là một nhân viên xuất nhập khẩu không phải là điều dễ dàng, bạn phải thực sự có bản lĩnh và kinh nghiệm vững vàng thì mới có thể xử lí được những rủi ro không ngừng trong quá trình làm hàng. 

Visits: 26

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *