Hiểu về HS Code #2: 6 qui tắc phân loại mã HS (GIRs)

Quy tắc Giải thích chung (GIRs – General Interpretative Rules) là một bộ gồm 6 quy tắc phân loại hàng hoá, nhằm đảm bảo thống nhất giải thích tính pháp lý của hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hoá.

Các quy tắc này phải được áp dụng tuần tự từ 1 đến 4; quy tắc 5 áp dụng cho trường hợp riêng (dùng để phân loại bao bì). 5 quy tắc đầu sẽ liên quan đến nhóm 4 số, còn quy tắc 6 liên quan đến phân loại phân nhóm 6 số trở lên.

1. Quy tắc 01

Căn cứ vừa tiêu đề – vừa chú giải

Tiêu đề của các Phần, Chương và Phân chương chỉ mang tính hướng dẫn, được đưa ra nhằm mục đích dễ dàng hơn trong việc tra cứu. Việc phân loại hàng hóa phải được xác định theo nội dung của từng nhóm và chú giải của các Phần, Chương, Phân chương liên quan.

Chú giải của từng Chương là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong việc phân loại hàng trong Chương đó. Chúng ta phải kiểm tra tất cả những chú giải này để đảm bảo sản phẩm được phân loại chính xác. Tuy nhiên, nếu những nhóm và chú giải không có quy định nào khác, việc xác định mã HS của hàng hóa sẽ được áp dụng các quy tắc tiếp theo.

2. Quy tắc 02

Sản phẩm chưa hoàn thiện, nhưng có đặc trưng của sản phẩm hoàn thiện

a) Sản phẩm chưa hoàn thiện

Một mặt hàng được phân loại trong một nhóm hàng, thì những mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện, cũng sẽ thuộc nhóm đó.

b) Hỗn hợp hoặc hợp chất

Nếu một nguyên liệu, một chất được phân loại trong một nhóm nào đó thì hỗn hợp hay hợp chất của nguyên liệu hoặc chất đó với những nguyên liệu hoặc chất khác cũng thuộc nhóm đó. Tuy nhiên, nguyên liệu hoặc chất đó phải là thành phần quyết định chính đặc tính của sản phẩm. Quy tắc này thường dùng cho phân loại các nhóm:

    • Những nhóm có liên quan tới nguyên liệu hoặc chất xác định
    • Những nhóm có liên quan tới hàng hóa được cấu tạo từ nguyên liệu hoặc chất nhất định (Ví dụ: Chương 74: Đồng và các sản phẩm bằng đồng; Chương 76: Nhôm và các sản phẩm bằng nhôm;…). Tuy nhiên, chỉ được áp dụng trong trường hợp nội dung nhóm và chú giải Phần, Chương không có yêu cầu khác.

Lưu ý: Không áp dụng khi nguyên liệu hoặc chất được thêm vào làm mất đặc tính cơ bản, nổi bật của hàng hóa được mô tả trong nhóm. Hỗn hợp, hợp chất hoặc hàng hóa cấu tạo từ hai hay nhiều nguyên liệu hoặc chất, mà thoạt nhìn có thể được phân loại vào nhiều nhóm khác nhau thì áp dụng Quy tắc 03.

3. Quy tắc 03

Thoạt nhìn có thể phân loại vào hai hoặc nhiều nhóm

a) Mô tả cụ thể, đặc trưng nhất

Hàng hóa được phân loại vào nhóm có mô tả cụ thể, mang tính đặc trưng cơ bản nhất. Giữa hai hoặc nhiều nhóm mà có thể xem xét phân loại hàng hóa vào, nhóm có mô tả cụ thể được ưu tiên lựa chọn hơn so với nhóm có mô tả khái quát.

Tuy nhiên, khi có hai hoặc nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần nguyên liệu hoặc chất chứa trong (1) hàng hóa hỗn hợp, (2) hàng hóa là hợp chất, (3) hàng hóa ở dạng bộ; thì mỗi nhóm đó được xem là có đặc trưng ngang nhau, ngay cả khi một trong số các nhóm đó mô tả đầy đủ hơn, hoặc mô tả chính xác hơn.

b) Tạo nên đặc tính cơ bản

Hàng hóa là hỗn hợp, hợp chất của nhiều nguyên liệu khác nhau (các thành phần tương đương nhau, có chức năng “hỗ trợ lẫn nhau”) hoặc làm từ các thành phần khác nhau, và hàng hóa ở dạng bộ để bán lẻ; có thể căn cứ vào nguyên liệu hay thành phần mang lại đặc trưng cơ bản cho hàng hóa. 

Quy tắc này có thể được xem là phiên bản cải tiến của Quy tắc 02 (b), tuy nhiên “đặc trưng cơ bản” ở đây được xét đến 2 yếu tố:

    • Bản chất của nguyên liệu, thành phần: kích thước, số lượng, chất lượng, khối lượng, giá trị,…
    • Nguyên liệu hay thành phần mang lại công dụng chính của hàng hóa đó

Trong Quy tắc này, đối với hàng hóa là bộ sản phẩm đóng gói để bán lẻ, cần phải thỏa mãn các tiêu chí sau:

    • Phải bao gồm ít nhất hai sản phẩm khác nhau, chúng có thể được phân loại ở các nhóm khác nhau
    • Phải bao gồm hàng hóa được xếp đặt cùng nhau để đáp ứng nhu cầu nhất định, hoặc thực hiện một chức năng xác định
    • Phải được xếp theo cách thích hợp để bán trực tiếp cho người sử dụng mà không cần đóng gói tiếp

Tuy nhiên, quy tắc này không áp dụng cho bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm được đóng gói cùng nhau, nhưng các sản phẩm ấy lại không cùng thực hiện một chức năng chung. Ví dụ: Một thùng đồ hộp gồm: 1 hộp pate, 1 hộp pho mát, 1 hộp thịt xông khói, 1 hộp xúc xích; hay Một thùng rượu gồm: 1 chai rượu mạnh, 1 chai rượu vang.

c) Nhóm có số thứ tự sau cùng

Khi hàng hóa không thể phân loại theo Quy tắc 03 (a) và (b) thì hàng hóa sẽ được xếp vào nhóm cuối cùng theo thứ tự trong các nhóm tương đương. Tuy nhiên, trong trường hợp hải quan nghi ngờ về việc phân loại, người khai sẽ phải tiến hành giải trình và chứng minh mã HS áp dụng là chính xác.

4. Quy tắc 04

Phân loại vào hàng hóa giống nhất

Trong trường hợp hàng hóa không thể phân loại đúng theo 3 quy tắc trên, thì Quy tắc 04 này yêu cầu so sánh hàng hóa định phân loại với hàng hóa tương tự đã được phân loại để có thể xác định nhóm hàng hóa giống nhất, sau đó tiến hành xếp vào nhóm phù hợp.

Căn cứ so sánh hàng hóa bao gồm: mô tả/tên gọi, đặc điểm, tính chất và mục đích sử dụng. Quy tắc này thường được áp dụng cho các hàng hóa mới, chưa có mã HS, và thường được phân loại dựa trên nguyên tắc chọn các sản phẩm trong cùng một ngành hàng.

5. Quy tắc 05

Phân loại của bao bì, hộp đựng

Bao bì được áp dụng trong Quy tắc 05 này phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

    • Phải đi kèm/được đóng gói chung với hàng hóa
    • Phải được dùng để bảo vệ hàng hóa
    • Phải có giá trị nhỏ hơn nhiều so với giá trị của hàng hóa

a) Bao bì đặc biệt

Quy tắc 05 (a) này áp dụng cho các loại bao bì đặc biệt, là những loại bao bì được sử dụng đi sử dụng lại với nhiều vòng đời. Những loại bao bì này sẽ được phân loại cùng với hàng hóa nó chứa đựng, nếu:

    • Thích hợp riêng hoặc có hình dạng đặc biệt để chứa đựng một loại hoặc một bộ hàng hóa xác định;
    • Phù hợp để sử dụng lâu dài, tái sử dụng với nhiều vòng đời (được thiết kế có độ bền cùng hàng hóa chứa đựng);
    • Được đi cùng hàng hóa chứa đựng, hàng hóa này có thể được đóng gói riêng hoặc không, thuận tiện cho việc vận chuyển;
    • Là loại bao bì thường được bán chung với hàng hóa chứa đựng trong nó;
    • Không mang lại tính chất cơ bản cho hàng/bộ hàng hóa

Tuy nhiên, quy tắc này không áp dụng với những thùng chứa chuyên dụng, bình kim loại đựng khí đốt dạng nén hoặc hóa lỏng: bình gas, thùng container,… Các loại bao bì này không được xem xét là bao bì thỏa mãn điều kiện của Quy tắc 05.

Ví dụ: Bình gas có chứa đựng khí gas. Giá trị của gas trong bình và bình đựng không chênh lệch nhau nhiều, không thỏa mãn điều kiện. Trong trường hợp này, khí gas và bình gas sẽ được phân loại riêng biệt vào 2 nhóm hàng khác nhau.

b) Bao bì hoặc vật liệu đóng gói (bao bì thông thường)

Quy tắc này áp dụng cho các loại bao bì thông thường, là những loại bao bì không được tái sử dụng. Những loại bao bì này sẽ được phân loại cùng với hàng hóa nó chứa đựng nếu chúng là loại thường dùng để đóng gói hàng hóa.

6. Quy tắc 06

Chú giải và nội dung của phân nhóm

Việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm, cần phải đảm bảo sự phù hợp theo nội dung của từng phân nhóm, phù hợp với các chú giải phân nhóm và phù hợp với chú giải của chương có liên quan.

Để so sánh một sản phẩm giữa các nhóm hoặc phân nhóm khác nhau, cần đảm bảo rằng đang so sánh cùng cấp độ. Ví dụ, nếu sản phẩm đang được phân loại theo Quy tắc 03 (a), ta cần xác định phân nhóm 1 gạch có mô tả đặc trưng nhất rồi mới tiếp tục xác định đến phân nhóm 2 gạch có mô tả đặc trưng nhất. Tuy nhiên, vẫn áp dụng chú giải Phần, Chương, trừ khi những chú giải này có nội dung không phù hợp với nội dung hoặc chú giải của phân nhóm.

Ở chương 71:

  • Chú giải 4 (b) của chương đề cập về khái niệm của “bạch kim” nghĩa là platin, iridi, osmi, palladi, rodi và rutheni.
  • Tuy nhiên, chú giải 2 của phân nhóm có đề cập thêm rằng: “…theo các phân nhóm 7110.11 và 7110.19, khái niệm “bạch kim” không bao gồm iridi, osmi, paladi, rodi hoặc rutheni.”

Có thể thấy rằng, khi phân loại các sản phẩm có liên quan đến “bạch kim” nói riêng hoặc các hàng hóa khác nói chung, cần đọc kỹ những chú giải để tránh áp dụng mã HS một cách không chính xác.

Có thể nói, việc phân loại hàng hóa dù mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên quy trình để có thể sắp xếp và áp dụng chúng một cách chính xác là không dễ dàng. Việc áp dụng tuần tự những quy tắc trên không chỉ giúp bạn giảm thiểu được sai sót trong phân loại, mà còn là cơ sở để chứng minh, giải trình trong trường hợp cần thiết cho mã HS đã được áp dụng.

Visits: 2

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *